Trước khi tìm hiểu lý do vì sao Apple không mua ARM, bạn có thể xem thêm câu chuyện giữa ARM và Apple: Mối lương duyên nghìn tỷ: ARM nhỏ bé đã và đang là vận mệnh của “đế chế” Apple.
Như các bạn đã biết, gần đây rộ lên thông tin NVIDIA mua lại ARM từ tay SoftBank, nhưng trước đó nhiều tin đồn khách hàng SoftBank tìm đến đầu tiên lại là Apple. Xét trên tiềm lực kinh tế thì rõ ràng 40 tỷ USD để thâu tóm một công ty đang trên đà phát triển như ARM hoàn toàn trong khả năng của công ty giá trị 2000 tỷ như Apple. Nhưng Apple lại không mấy quan tâm đến thương vụ này.
Thật ra thì đây không hẳn là lần đầu tiên Apple từ chối mua ARM. Hồi 2010, Apple phát hành chiếc iPad đầu tiên và cũng thời điểm đó nhiều thông tin cho rằng Apple có thể thâu tóm ARM với định giá khoảng 8 tỷ USD. Nhưng sau đó “táo khuyết” đã rút lui để rồi về tay SoftBank vào 2016 với giá hơn 30 tỷ USD.
ARM quan trọng với Apple như thế nào?
Hiện tại Apple tự thiết kế bộ xử lý cho hầu hết thiết bị của mình, từ iPhone, iPad, Apple Watch, Apple TV, tai nghe và chip bảo mật cho Mac. Sắp tới công ty cũng đã lên kế hoạch để chuyển toàn bộ máy Mac của mình từ Intel sang bộ xử lý tự sản xuất và tất nhiên là dựa trên nền tảng ARM. Như vậy có thể khẳng định ARM đóng vai trò vô cùng quan trọng với Apple, cả trong quá khứ, hiện tại lẫn tương lai.
Quan trọng như vậy, tại sao Apple không mua ARM?
Có lẽ nhiều bạn sẽ nghĩ rằng, nếu như mua ARM thì Apple có toàn quyền phát triển trên nền tảng di động phố biến hàng đầu thế giới, không phải trả phí cho mỗi con chip tạo ra và thậm chí là còn có thể thu phí khi cấp phép cho các nhà sản xuất chip khác.
Nhưng sự thật lại không đơn giản như vậy. Mặc dù Apple không tiết lộ, nhưng theo các phân tích, có hai lý do chính khiến Apple tỏ ra hững hờ với thương vụ thâu tóm ARM:
Lý do thứ nhất: Vấn đề chống độc quyền
SoftBank là một công ty chuyên đi đầu tư, hầu như không sản xuất chip, cũng không sản xuất các thiết bị phần cứng chính vì vậy việc công ty này sở hữu ARM sẽ ít ai để ý. Nhưng khi một công ty sản xuất phần cứng và thiết kế chip như Apple thì mọi chuyện lại khác. Nếu Apple mua ARM, hàng loạt công ty lớn trên toàn thế giới từ Qualcomm, Samsung, MediaTek… đều sẽ đồng loạt có những động thái phản đối, hoặc là sẽ canh chừng sơ hở là kiện ra tòa về những vấn đề độc quyền.
Apple là một công ty có khá nhiều kinh nghiệm với các cuộc kiện tụng kéo dài và công ty hiểu rõ, điều này sẽ không tốt đẹp gì. Đó là chưa kể, dù không mua ARM thì Apple cũng có hẳn một bộ phận thiết kế chip “xịn sò”, có khả năng tùy biến rất sâu nền tảng ARM để tạo ra được những bộ xử lý di động vượt xa các đối thủ, việc sở hữu ARM đôi khi sẽ là cái cớ để các công ty khác kiện Apple sử dụng độc quyền một công nghệ nào đó để con chip của mình mạnh hơn.
Luật chống độc quyền cũng giúp Apple có thể yên tâm dù công ty nào mua lại ARM đi nữa, thì công ty vẫn được cấp phép để tiếp tục sản xuất chip.
Lý do thứ hai: ARM không mang lại giá trị lớn với Apple
Dù không công bố chính thức, nhưng các nhà phân tích cho rằng việc ARM cấp phép cho mỗi con chip chỉ tính bằng xu. Thật ra điều này không khó để tính ra, lấy đơn giản tổng số chip sử dụng nền tảng ARM xuất xưởng vào quý 4/2019 là khoảng 6.4 tỷ, con số này do chính ARM công bố. Đồng thời tổng doanh thu của công ty trong quý này cũng tầm đâu đó trên dưới 500 triệu USD. Coi như tất cả số tiền này đều đến từ việc cấp phép và thu bản quyền thì tính ra ARM chỉ thu được $(0.5/6.4) – tức chưa đến $0.1 cho mỗi con chip.
Trong khi đó việc sản xuất mỗi con chip lại tốn hàng chục cho tới vài chục USD, tức là nếu Apple mua ARM thì cũng chỉ tiết kiệm được một số tiền nhỏ trên mỗi con chip, con số này quá nhỏ nếu mang ra so với việc sản xuất một con chip hoàn chỉnh hay chi phí mua tấm nền OLED của Samsung giá hàng trăm USD.
Và đồng thời, hoạt động cấp phép của ARM cũng chỉ mang về doanh thu vài tỷ USD mỗi năm, nó chỉ bằng con số lẻ đối với Apple, thậm chí chẳng bằng “táo khuyết” bán AirPods trong khi phải đầu tư số tiền ban đầu nhiều chục tỷ USD.
Nhìn vào những rủi ro hầu tòa và doanh thu mang lại, Apple rõ ràng là không dại gì thâu tóm ARM. Thay vào đó chỉ việc trả một vài xu cho mỗi con chip sản xuất ra rõ ràng là kinh tế hơn.