Apple đã nhận được bằng sáng chế về thiết bị điện tử có cấu trúc hiển thị linh hoạt, với màn hình con lăn cho iPhone và iPad.
Trước đó, rất nhiều thông tin đã chỉ ra rằng Apple đang nghiên cứu việc chế tạo màn hình con lăn độc đáo cho iPhone và iPad. Nó cho phép người dùng có thể kéo ở hai đầu điện thoại để điều chỉnh màn hình lớn hoặc nhỏ khi cần.
Quay trở lại năm 2015, một hồ sơ cho thấy ý tưởng tương tự, rằng màn hình iPhone được sử dụng như một tấm che có thể thu vào. Bằng sáng chế được cung cấp là "Bảo vệ màn hình chủ động cho thiết bị điện tử".
Sau đó, vào năm 2017, chúng ta đã thấy dấu hiệu đầu tiên về màn hình cuộn cho iPhone. Bằng sáng chế từ Apple mang tên "Thiết bị điện tử có màn hình có khả năng thu vào".
Giờ đây, Apple đã có bằng sáng chế mới liên quan đến lĩnh vực trên. Nó mang tên "Thiết bị điện tử có cấu trúc hiển thị linh hoạt".
Trong bằng sáng chế ghi rõ: "Màn hình thường được hình thành từ các cấu trúc cứng như: đế thủy tinh... Điều này có thể gây khó khăn cho việc tạo ra các thiết bị điện tử nhỏ gọn với các tính năng mong muốn. Tuy nhiên, 1 màn hình linh hoạt hơn có thể được quấn quanh một hoặc nhiều con lăn."
Apple cũng cho biết màn hình linh hoạt này có thể được uốn cong quanh một trục để cho phép thiết bị điện tử gập lại được và cuộn quanh con lăn. Màn hình linh hoạt sẽ nằm trong vỏ thiết bị, để tạo thiết kế nhỏ gọn. Cách hoạt động của nó đơn giản là người dùng chỉ cần kéo từ bên trong vỏ thiết bị điện tử khi muốn mở rộng khu vực hiển thị.
Hiện tại, trong bằng sáng chế cũng đề cập tính khả dụng được ứng dụng cho những sản phẩm từ Apple, bao gồm: iPhone, iPad, Apple Watch,...
Đồng thời, ứng dụng bằng sáng chế tập trung vào việc làm cho màn hình linh hoạt này có độ bền cao. Những thành phần và chất liệu để sản xuất màn hình này bao gồm: kim loại, nhựa và các vật liệu phù hợp khác.
"Bí thuật" của công nghệ này nằm ở cấu trúc tiêu chuẩn kép của màn hình và độ ổn định ở 2 đầu thu mở trên thiết bị.
- Cấu trúc tiêu chuẩn kép của màn hình là phải có độ cứng để triển khai thành cấu hình, giao diện thiết bị, cho phép tương tác trực tiếp.
- Mặt khác, cấu trúc màn hình phải đủ độ dẻo để khi tác động đủ lực, nó có khả năng uốn cong trên con lăn.
Đồng thời, con lăn ổn định ở 2 đầu phải ở vị trí chính xác và phối hợp nhịp nhàng để không làm hỏng thiết bị.
Cha đẻ của phát minh này là ông Scott A. Myers. Người dường như có đam mê bất tận với màn hình thiết bị điện tử. Vì trước đây ông là chủ của bằng sáng chế cho iPhone có màn hình bao quanh các mặt.