Tắt ứng dụng chạy ngầm trên iPhone nhằm tăng tốc máy hay tiết kiệm pin, nhưng đôi khi cũng gây tác dụng ngược.
Ứng dụng chạy ngầm là cụm từ mà người dùng công nghệ khá quen thuộc, bởi dù dùng thiết bị nào (laptop hay điện thoại/tablet) hay hệ điều hành nào thì cũng luôn có các ứng dụng đang "chạy ngầm", và iPhone cũng không ngoại lệ. Thông thường, các chuyên gia đều khuyên bạn nên tắt tất cả chúng để giải phóng bộ nhớ nhằm tăng hiệu suất hoặc tiết kiệm pin.
Tuy nhiên, nhiều thử nghiệm cho thấy việc tắt ứng dụng chạy ngầm trên iPhone có thể là một sai lầm khiến cho máy trở nên ì ạch hơn. Lý do chính dẫn đến việc này là cơ chế "tự xử lý" của iPhone: khi chuyển qua sử dụng phần mềm khác, chương trình sẽ vào trạng thái tạm ngưng hoạt động, iOS sẽ tự động giải phóng CPU và RAM vốn được dùng để chạy ứng dụng kia.
Apple cũng đã từng nói về cơ chế tự quản lý tài nguyên này của iPhone: "Người dùng chỉ nên đóng hoàn toàn ứng dụng trong trường hợp bị treo hoặc không phản hồi". Điều này đồng nghĩa với việc bạn không cần lo lắng về các ứng dụng chạy ngầm làm chậm máy hay ảnh hưởng tới phần mềm đang sử dụng.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng việc tắt ứng dụng chạy ngầm trên iPhone sẽ làm giảm hiệu năng và gây tốn pin hơn. Nguyên nhân là khi một ứng dụng bị tắt hoàn toàn sẽ cần khởi chạy từ đầu và tải lại toàn bộ tài nguyên khi mở lại; quá trình này sẽ tiêu tốn cả thời gian xử lý và điện năng (pin) của máy.
Để kiểm tra các ứng dụng chạy ngầm nào đang gây tốn tài nguyên, bạn có thể kiểm tra chi tiết tại mục Pin (Battery) trong phần cài đặt của máy. Trong trường hợp này hãy chọn tính năng "Tắt làm mới ứng dụng" (Background App Refresh) trong Cài đặt (Settings).
Nhìn chung, việc tắt ứng dụng chạy ngầm trên iPhone thường xuyên có thể mang lại tác dụng phụ không mong muốn, do đó, Minh Tuấn Mobile khuyên bạn chỉ nên thực hiện việc này khi gặp phải trường hợp phần mềm không phản hồi hoặc hoạt động không như mong đợi.