IBM PC được ra mắt vào 12/08/1981 đã khẳng định với người tiêu dùng rằng ai cũng có thể sở hữu một chiếc máy tính cá nhân với chi phí rất rẻ.
Vào cuối những năm 1970, thị trường máy tính cá nhân đã phát triển nhanh chóng với sự tham gia từ những người tự chế tạo đến những doanh nghiệp lớn hơn như Apple, Commodore và Tandy.
Công ty IBM không phải là trường hợp ngoại lệ, họ cũng nhận ra tiềm năng lớn hơn của máy tính cá nhân trong kinh doanh cũng như ở nhà. Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng khi IBM mong muốn tham gia thị trường với PC của riêng họ.
Cùng với đó là sự xuất hiện của chương trình máy tính đầu tiên VisiCalc, đã thúc đẩy IBM quyết định rằng cần phải tạo ra một chiếc máy tính cá nhân để bảo vệ vị trí lịch sử của mình.
Nói thêm rằng, Lowe và Don Estridge (cha đẻ của IBM PC) lúc này đã có tầm nhìn xa để hiểu rằng một ứng dụng mới như VisiCalc vốn đã có thể làm rất nhiều việc mà máy tính lớn và máy tính mini đắt tiền của họ có thể làm. Đây cũng chính là mối đe dọa đối với hoạt động kinh doanh của công ty trong tương lai.
Dù thành công, nhưng lựa chọn sai lầm
Rào cản đầu tiên của IBM trong việc tham gia thị trường PC là việc họ đã quen với việc phát triển công nghệ độc quyền cho máy tính lớn, máy tính mini và chất bán dẫn trong hầu hết những năm 1960-1970. Nhưng từ lúc IBM bắt đầu dự án IBM PC của họ đến khi đưa nó ra thị trường chỉ khoảng một năm. Điều đó có nghĩa là để đưa sản phẩm này ra thị trường một cách nhanh chóng như thế, họ đã sử dụng các bộ phận có sẵn.
Công ty IBM đã chọn chất bán dẫn của Intel, hệ điều hành PC của Microsoft, bộ nhớ và ổ lưu trữ của các công ty lâu đời. Bởi vì mục tiêu của IBM hiện tại là nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường. Để làm được điều đó, họ không có thời gian để tạo ra công nghệ độc quyền có thể làm cho máy tính cá nhân của mình trở nên độc nhất và khó sao chép.
Vào ngày 12/8/1981, tại khách sạn Waldorf Astoria ở trung tâm Manhattan, công ty đã giới thiệu PC IBM (IBM 5150) với mức giá $1565 đến thế giới. Sản phẩm này đã nhanh chóng thống trị thị trường. Doanh số của IBM đã vượt xa mục tiêu 800%, có lúc bán được 40.000 máy trong một tháng. Năm 1983, công ty đã bán được 750.000 máy, cao hơn nhiều so với dự kiến ban đầu là 250.000 máy trong 5 năm. Năm 1984, doanh thu của IBM từ thị trường PC đã đạt 4 tỷ USD.
Cạnh tranh thất bại, IBM thoái lui
Mặc dù đã rất thành công kể từ khi xuất hiện nhưng có lẽ IBM đã không lường trước được rằng sẽ có những "kẻ bắt chước" có thể thách thực họ trên thị trường này trong tương lai. Nguyên do là họ đã chọn những bộ phận cho chiếc máy của mình từ các công ty có thể cung cấp chúng cho bất kỳ ai, không chỉ IBM.
Đúng như dự đoán, 6 tháng sau, chúng ta đã thấy được những bản sao chép IBM PC đầu tiên. Đáng chú ý nhất là từ Compaq Computer. Với tiềm năng của những "bản sao chép", các công ty khác đã liên tục nhảy vào, bao gồm cả HP và Dell Computer.
Phía IBM cũng đã từng thử giành lại quyền kiểm soát thị trường bằng cách tạo ra các công nghệ độc quyền nhưng đều thất bại. Cho đến ngày nay, các nhà sản xuất bản sao chép phản đối lại tính độc quyền của IBM được coi là những người khai sinh ra kiến trúc phần cứng mở đầu tiên.
Sau này, do thị trường "máy tính sao chép" đã thống trị nên IBM đã quyết định bán mảng kinh doanh PC của mình cho Lenovo và chuyển mình từ một công ty tập trung vào phần cứng sang một nhà cung cấp dịch vụ công nghệ.
Cuối cùng, không thể không nói rằng việc IBM tham gia vào thị trường PC đã giúp phát triển ngành công nghiệp lên giá thêm hàng nghìn tỷ đô la trong 4 thập kỷ qua. Họ cũng mở đường cho sự ra đời của máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh và khiến Internet có thể phát triển mạnh mẽ.
Đó là tất cả những thông tin về chiếc máy tính cá nhân (IBM PC) đầu tiên trên thế giới. Hãy tiếp tục theo dõi Minh Tuấn Mobile để cập nhật những tin tức mới nhất nhé!