Có nhiều trường hợp người dùng cứu điện thoại vào nước bằng cách ủ nó với gạo, nhưng liệu mẹo này có thực sự an toàn và hữu dụng không?
Một trong nhiều mẹo được người dùng iPhone chỉ nhau có lẽ là cách hút ẩm điện thoại bằng gạo. Nhiều người đã thử áp dụng nhưng kết quả đem lại không hề khả quan chút nào, thậm chí có nhiều trường hợp máy còn hư hỏng nặng hơn.
Tại sao nhiều người lại tin mẹo này?
Theo The Verge, mẹo dùng gạo hút ẩm cho điện thoại này đã được cộng đồng ‘mách nhỏ’ cho nhau trong thời gian rất lâu, có thể nói là qua rất nhiều thế hệ.
Được biết, mẹo nhỏ này thật ra được giới nhiếp ảnh truyền tay nhau. Vào năm 1946, một bài báo trên Popular Photography nói trà, giấy nâu và gạo là những thứ có thể thay vật hút ẩm nếu bạn đến nơi có khí hậu ẩm ướt.
Năm 1996, trong tạp chí Make it Last cũng liệt kê rằng, gạo nằm trong số hơn 100 cách giúp kéo dài tuổi thọ thiết bị nhờ khả năng hút ẩm. Sau đó, có rất nhiều hướng dẫn, mẹo về bảo quản, xử lý thiết bị điện tử sử dụng gạo đã ra đời. Thông tin lan truyền rất rộng rãi khiến nhiều người tin rằng gạo - một vật luôn sẵn có trong nhà, là cứu tinh của điện thoại.
Nhưng vào năm 2014, trang Gazelle đã thực hiện thí nghiệm cho thấy gạo là chất hút ẩm tệ nhất, thậm chí còn ‘rởm’ hơn trong những thứ có sẵn tại nhà như cát vệ sinh cho mèo hay bột yến mạch. TekDry - công ty cung cấp dịch vụ cứu hộ thiết bị điện tử khẩn cấp, họ cũng tiến hành thí nghiệm với gạo, và nhận thấy lượng nước bay hơi khi để máy ngoài tự nhiên còn lớn hơn việc đặt trong thùng gạo.
Craig Beinecke - nhà đồng sáng lập TekDry cho biết: "Trò lừa gạo tồn tại vì nghe có vẻ đúng, ngay cả khi thực tế chứng minh nó vô dụng. Câu chuyện gạo cứu điện thoại vào nước cứ thế được truyền tai qua nhiều thế hệ".
Theo ông, điều nguy hiểm của mẹo này là người dùng sẽ khởi động lại thiết bị sau khi vùi vào gạo, dù máy chưa khô hoàn toàn. Nó có thể khiến thiết bị chết hoàn toàn thay vì có thể đem đi sửa nếu được xử lý đúng cách. Lý do là vì trong gạo có lớp cám mịn, khi gặp nước nó có thể vón thành cục, bám vào các khe hở của điện thoại như lỗ sạc, loa thoại, viền màn hình. Nguy hiểm hơn, nếu người dùng vô tình cắm sạc thì có thể gây cháy nổ ngoài ý muốn.
Vậy nên làm gì khi điện thoại iPhone bị vào nước?
Đầu tiên là người dùng nên tắt nguồn điện thoại, sau đó lau khô sạch sẽ điện thoại để tránh nước ngấm sâu hơn vào điện thoại gây ảnh hưởng nặng hơn.
Sau đó, nên tháo gỡ các bộ phận có thể tháo rời như nắp lưng, pin, sim. Người dùng có thể làm khô điện thoại bằng các chất làm khô chuyên dụng, ví dụ như túi hút ẩm có sẵn trong bánh kẹo. Hoặc có thể để thiết bị trước quạt để hong khô, hay những nơi thoáng mát, khô ráo trong nhà.
Còn nếu bạn sử dụng máy sấy thì hãy thật cẩn thận vì máy có thể làm hạt nước văng sâu hơn vào bên trong. Máy sấy với hơi nóng còn có thể làm chảy giăng cao su, keo dán màn hình,... Và người dùng không nên khởi động thiết bị ngay sau ‘cứu nguy’. Bạn nên chờ thêm vài tiếng cho điện thoại khô hẳn.
Cuối cùng, để an toàn và yên tâm hơn thì người dùng nên mang ra cửa hàng sửa chữa điện thoại để kiểm tra. Người dùng có thể ghé các cửa hàng Minh Tuấn Mobile để được tư vấn sửa chữa điện thoại nhanh chóng và uy tín nhé!