Mini App Phòng chống thiên tai đã có mặt trên Zalo, mang đến giải pháp cho người dân cả nước chủ động phòng ngừa, chống thiên tai, bão lũ.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai Quốc gia vừa phát hành ứng dụng mini Phòng chống thiên tai Việt Nam" trên nền tảng Zalo cùng với UNICEF. Đây là ứng dụng với nhiều tính năng giúp người dân trong những tình huống khẩn cấp mùa mưa bão.
Điểm nổi bật nhất của ứng dụng này đó chính là tính năng Kết nối cứu trợ. Trong các tình huống khẩn cấp, người dân có thể sử dụng tính năng này để liên lạc, gửi định vị kèm theo mô tả và hình ảnh để lực lượng chức năng ứng cứu kịp thời. Màn hình cũng sẽ hiển thị danh sách đường dây nóng và số điện thoại. Ngoài ra, tính năng Liên lạc khẩn cấp có thể được sử dụng để liên lạc với cơ quan chức năng của địa phương.
Cụ thể, với tình hình bão số 1 đang đổ bộ vào Móng Cái (Quảng Ninh), bạn có thể tìm kiếm Liên hệ khẩn cấp tỉnh Quảng Ninh, nhấn và gọi trực tiếp. Hiện tại, 2 số khẩn cấp của tỉnh Quảng Ninh được cung cấp trong app này là:
- Số điện thoại Zalo: 0912.900.202
- Đường dây nóng: 0912.900.202
Người dùng có thể chủ động gửi tình trạng, nguy cơ hoặc thiên tai tại khu vực của họ đến cơ quan chức năng bằng cách sử dụng tính năng Phản ánh thiên tai. Cơ quan chức năng tại khu vực sẽ có thông tin đầu vào để xử lý và khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng. Bên cạnh đó, ứng dụng này cũng sẽ cung cấp nhiều kiến thức, thông tin và hình ảnh để hướng dẫn, giúp người dùng phát triển kỹ năng ứng phó chủ động trước, trong và sau thiên tai.
Cách cài đặt ứng dụng Phòng chống thiên tai Việt Nam
Để sử dụng mini app, người dùng phải cài đặt ứng dụng Zalo. Người dùng có 2 cách để truy cập mini ứng dụng Zalo sau khi đăng nhập.
Cách 1: Người dùng mở ứng dụng Zalo trên màn hình chính:
- Chọn mục Khám phá > Xem thêm.
- Tìm kiếm cụm từ Phòng chống thiên tai Việt Nam trong phần tìm kiếm.
Cách 2: Người dùng quét mã QR trong Zalo.
Người dân có thể nhanh chóng nhận được các cập nhật về thời tiết và cảnh báo khẩn cấp ở các địa phương thông qua việc sử dụng ứng dụng Phòng chống thiên tai. Ngoài ra, ứng dụng hỗ trợ nhiều ngôn ngữ khác nhau, chẳng hạn như tiếng Dao, tiếng Mông, tiếng Thái và tiếng Khmer, điều này giúp mọi người, kể cả những người thuộc các dân tộc thiểu số, có thể tiếp cận được.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, nước ta sẽ bị ảnh hưởng bởi khoảng 12-14 cơn bão mạnh và áp thấp nhiệt đới trong năm nay. Trong đó, khoảng 4 đến 6 cơn tác động đến đất liền. Từ tháng 7, có khả năng số lượng bão và áp thấp nhiệt xảy ra trên khu vực Biển Đông bằng trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Sự ra đời của ứng dụng Phòng chống thiên tai Việt Nam được kỳ vọng sẽ là công cụ mới giúp người dân cả nước được cảnh báo kịp thời về các rủi ro, nhanh chóng kết nối và cứu trợ, giúp giảm thiểu thiệt hại về con người và tài sản.