Thiết bị theo dõi hành lý sẽ giải quyết tình trạng hành lý bị thất lạc, giúp bạn có thể xác định vị trí cũng như tìm ra nó dễ dàng ở sân bay hay bất kỳ đâu.
Thiết bị theo dõi hành lý chính là giải pháp để bạn tránh được tình trạng hỗn loạn thất lạc tìm kiếm hành lý mỗi khi "cất cánh". Nhưng liệu chúng ta có thật sự nên dùng nó? Đồng thời, thiết bị theo dõi hành lý có thật sự an toàn?
Thiết bị theo dõi hành lý là gì?
Thiết bị theo dõi hành lý là một thiết bị nhỏ được gắn vào hoặc để trực tiếp vào bên trong hành lý ký gửi. Nó sử dụng công nghệ Bluetooth, Wi-Fi hoặc GPS để thông báo vị trí của thiết bị đó. Thiết bị theo dõi hành lý đặc biệt thuận tiện cho việc đi lại bằng đường hàng không và du thuyền.
Hiện nay, có 3 loại thiết bị theo dõi hành lý phổ biến là: Apple AirTag, Tile Pro và Samsung Galaxy SmartTag+. Các thiết bị đều cho phép nó định vị đồ đạc, tránh thất lạc.
- AirTag là một lựa chọn dễ dàng cho người dùng iPhone, iPad,.... Bởi nó được đồng bộ với ứng dụng Find My. Thời lượng pin của AirTag có thể kéo dài 1 năm.
- Tile Pro đặc biệt lý tưởng để định vị hành lý vì nó có thể theo dõi các vật phẩm cách xa tới 400 feet. Nhiều người dùng đồng ý rằng thiết bị theo dõi này dễ sử dụng và thuận tiện.
- Samsung Galaxy SmartTag+ đồng bộ hóa với ứng dụng SmartThings để định vị hành lý, chìa khóa thất lạc,... Nó hoạt động tốt ngay cả khi không có Wifi.
Những con số biết nói
Theo dữ liệu từ SITA, công ty cung cấp nhiều giải pháp công nghệ khác nhau cho ngành hàng không cho thấy, tỷ lệ xử lý sai hành lý đã tăng 74,7% vào năm 2022. Cứ 1.000 túi được đưa lên máy bay thì có tỷ lệ có 7,6 túi bị mất.
Ngoài ra, hành lý cho các chuyến bay quốc tế có khả năng bị xử lý sai gấp 8 lần so với hành lý trên các chuyến bay nội địa. Điều này được lý giải là do quá trình chuyển giao giữa các khu vực và chuyến bay.
Năm 2023 tình trạng trên sẽ còn tồi tệ hơn, theo ông Rory Boland, biên tập viên của tạp chí tiêu dùng Which? Travel nhận định.
“Vẫn còn nhiều vấn đề nghiêm trọng về thất lạc hành lý trong năm nay và tình trạng này có thể còn tồi tệ hơn trong giai đoạn du lịch cao điểm vào mùa hè này." Ông cảnh báo, đó không chỉ là sự cố bị thất lạc mà còn do máy bay cất cánh mà không có hành lý của bạn vì thiếu nhân viên nên không thể chất hành lý kịp thời.
Nhưng, thiết bị theo dõi hành lý có thật sự hiệu quả và an toàn?
Thực chất, thiết bị theo dõi hành lý sẽ giúp bạn an tâm hơn. Ít nhất, nó giúp bạn biết được tài sản của mình đang ở đâu. Trong những năm trước, khách du lịch rất bị động vì phải đợi phản hồi thông tin từ các hãng hàng không. Tuy nhiên, đa phần các hãng hàng không đều không giải quyết được những trường hợp này.
Trong khi đó, hành khách phải trả số tiền ngày càng lớn cho nhiều hãng hàng không để họ vận chuyển hành lý của mình. Vì vậy hoàn toàn không thể chấp nhận được việc hành khách phải "dài cổ" chờ đợi thậm chí là không nhận được phản hồi rõ ràng từ đại diện các hãng. Với sự xuất hiện của thiết bị theo dõi hành lý đã trả lại quyền kiểm soát tài sản cho người dùng.
Nhưng, thiết bị theo dõi hành lý có đủ an toàn để mang lên máy bay? Đó là một câu hỏi mà ngành công nghiệp hàng không dường như vẫn đang loay hoay tìm câu trả lời. Tất nhiên, pin lithium bị cấm di chuyển trong khoang hành khách và các vụ cháy lithium thường xuyên xảy ra trong cabin máy bay.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết đầu năm 2023 đến nay đã có 25 sự cố hàng không liên quan đến pin lithium. Vì thế, hàng không Lufthansa (Đức) và New Zealand dường như đã cấm các thiết bị theo dõi hành lý vào năm ngoái.
Sự thật là: FAA cho biết các thiết bị theo dõi vị trí hành lý vẫn được dùng miễn là chúng đáp ứng một trong những hạn chế sau:
- Lithium của thiết bị theo dõi hành lý không được vượt quá 0,3 gam.
- Pin lithium-ion có định mức Watt-giờ không được vượt quá 2,7 Wh.
FAA cũng khuyến nghị khách du lịch kiểm tra với hãng hàng không của họ trước khi bay.
Tóm lại, bạn vẫn nên sử dụng thiết bị theo dõi hành lý và nhớ đọc kỹ thông tin về nó trước khi chọn mua.