Việc Apple buộc phải thực thi đạo luật DMA của liên minh Châu Âu trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những người dùng iPhone?
Apple sẽ cho phép các cửa hàng ứng dụng bên thứ ba hoạt động trên nền tảng iOS, cũng như cho phép người dùng tự do thay đổi trình duyệt web mặc định trên iPhone. Động thái này nhằm đáp ứng các yêu cầu của Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) mới được Liên minh Châu Âu ban hành. Theo dự kiến, những thay đổi trên sẽ xuất hiện trong bản cập nhật iOS 17.4 vào tháng 3 tới
Các cửa hàng ứng dụng, trình duyệt và sideload bên thứ ba
Khi iOS 17.4 ra mắt, người dùng iPhone ở Châu Âu sẽ được phép cài đặt các cửa hàng ứng dụng khác và chọn chúng làm mặc định thay thế cho App Store. Người dùng có thể cài đặt bất kỳ ứng dụng nào mà mình muốn từ cửa hàng này, kể cả những ứng dụng không tuân theo chính sách App Store của Apple, chẳng hạn như các dịch vụ trò chơi trực tuyến và ứng dụng chatbot.
Với bản cập nhật này, các nhà phát triển như Google và Mozilla giờ đây có thể cung cấp phiên bản trình duyệt web đầy đủ của họ cho iPhone, mà không cần phải phụ thuộc vào nền tảng WebKit của Apple. Ví dụ, Google có thể phát hành phiên bản Chrome được hỗ trợ bởi công cụ trình duyệt web do chính họ phát triển. Sự thay đổi này có nghĩa là người dùng sẽ có thể sử dụng các plug-in hoặc tiện ích liên quan đến các trình duyệt bên thứ ba.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích về sự tự do lựa chọn, Apple cũng bày tỏ lo ngại rằng việc mở cửa hàng ứng dụng sẽ khiến người dùng gặp phải nhiều rủi ro về bảo mật và quyền riêng tư hơn. Do đó, hãng đang triển khai thêm nhiều biện pháp kiểm soát và bảo vệ người dùng để đáp ứng yêu cầu của luật pháp Châu Âu. Các ứng dụng từ bên thứ 3 vẫn phải trải qua quy trình kiểm duyệt độc lập để Apple đảm bảo chúng tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn tối thiểu của hệ sinh thái.
NFC của iPhone sẽ không bị giới hạn ở Apple Pay
Một trong những thay đổi lớn sắp tới với luật mới là các dịch vụ thanh toán bên thứ ba cũng có thể tận dụng được tính năng NFC trên iPhone để thực hiện giao dịch không tiếp xúc thông qua ứng dụng của họ. Trước đây, chỉ riêng Apple Pay mới được phép sử dụng tính năng này của iPhone.
Bên cạnh đó, Apple cũng thực hiện những thay đổi đáng kể về cách thu phí đối với các nhà phát triển trên App Store. Cụ thể, các nhà phát triển ở Châu Âu giờ đây có thể lựa chọn phân phối ứng dụng của mình thông qua Apple hoặc các kênh khác. Nếu họ quyết định sử dụng hệ thống thanh toán và phân phối của Apple, mức phí mà họ phải trả là 3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với trước đây.
Hơn thế nữa, đối với các giao dịch trong ứng dụng và thanh toán đăng ký tài khoản, Apple giảm mức hoa hồng xuống còn 17%, so với 30% như trước. Thậm chí, Apple còn áp dụng chính sách đặc biệt ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và hầu hết các nhà phát triển indie, với mức phí chỉ 10% sau năm đầu tiên. Đây được xem là một nhượng bộ lớn từ phía Apple sau những chỉ trích về việc lạm dụng vị thế độc quyền để áp đặt mức phí cao đối với các nhà phát triển.
Cuối cùng, Apple cũng giới thiệu mức Phí Công nghệ Cốt lõi mới, yêu cầu các ứng dụng có lượt cài đặt trên 1 triệu mỗi năm phải trả 0,5 euro cho mỗi lượt cài đặt. Mức phí mới này nhằm góp phần duy trì cơ sở hạ tầng công nghệ và dịch vụ của Apple.
Những thay đổi sẽ có hiệu lực khi nào và iPhone nào bị ảnh hưởng?
Apple hiện đang thử nghiệm các thay đổi dự kiến này trong iOS 17.4 Beta. Công ty cũng cho biết phiên bản chính thức của iOS 17.4 sẽ được phát hành cho công chúng vào đầu tháng 3 sắp tới. Tuy nhiên, chỉ có người dùng ở 27 quốc gia Châu Âu mới nhận được những thay đổi này.
Hiện tại, vẫn chưa rõ những thay đổi của App Store sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các mẫu iPhone cũ hơn sẽ không nhận được bản cập nhật iOS 17.4.