Có nhiều điều mà ChatGPT vẫn chưa làm được chẳng hạn như việc tương tác như một trợ lý thông minh, tạo hành động từ câu lệnh phủ định hay truy cập các nội dung trả phí....Cùng điểm qua những điều "không thể" của trợ lý AI thông minh này.
1. Hạn chế về mặt bộ nhớ
Mặc dù có thể lưu trữ một số thông tin về người dùng trong một phiên trò chuyện, nhưng ChatGPT không thể ghi nhớ toàn bộ nội dung cuộc hội thoại trước đó khi bạn mở một phiên mới. Điều này khiến trải nghiệm trò chuyện không liền mạch như khi tương tác với con người.
![ChatGPT]()
2. Không thể tương tác với các thiết bị
Không giống như Siri hay Google Assistant, ChatGPT không thể điều khiển các thiết bị thông minh. AI này không thể mở ứng dụng, gửi tin nhắn, thực hiện cuộc gọi hay thay đổi cài đặt hệ thống.
![ChatGPT]()
3. Khó khăn với yêu cầu phủ định
ChatGPT sử dụng công nghệ DALL·E để tạo hình ảnh, nhưng lại gặp vấn đề khi xử lý yêu cầu phủ định. Ví dụ, nếu bạn yêu cầu AI tạo một bức tranh ông già Noel có ria mép nhưng không có râu, kết quả có thể vẫn bao gồm râu.
Nguyên nhân là do AI tập trung vào các yếu tố chính hơn là những đặc điểm cần loại bỏ. Cách tốt nhất để khắc phục là sử dụng mô tả chi tiết thay vì nhấn mạnh điều cần tránh, nhưng ngay cả vậy, ChatGPT đôi khi vẫn không thể thực hiện chính xác.
4. Không thể tạo hình ảnh có bản quyền
ChatGPT không thể tạo hình ảnh của người nổi tiếng hoặc nhân vật có bản quyền như Iron Man hay Mickey Mouse để tránh vi phạm pháp lý. OpenAI đã đặt ra giới hạn nghiêm ngặt về vấn đề này.
Trong khi đó, một số nền tảng khác như Grok của Elon Musk (trên X Premium) cho phép tạo hình ảnh của bất kỳ ai, đặt ra nhiều tranh cãi về đạo đức AI và quyền sở hữu trí tuệ.
5. Không thể nhận diện danh tính người trong ảnh
ChatGPT có thể phân tích hình ảnh và nhận diện các vật thể như xe hơi, động vật, cây cối, nhưng không thể xác định danh tính con người. Điều này giúp bảo vệ quyền riêng tư và tránh các vấn đề liên quan đến nhận diện khuôn mặt.
![ChatGPT]()
6. Không truy cập được nội dung trả phí
Dù có khả năng tìm kiếm thông tin, ChatGPT không thể truy cập nội dung nằm sau tường phí (paywall) của các trang web như New York Times hay The Wall Street Journal. Điều này đồng nghĩa với việc AI không thể tóm tắt những bài báo chỉ dành cho người đăng ký.
![ChatGPT]()
7. Có thể đưa ra thông tin sai lệch
Mặc dù có khả năng tổng hợp thông tin nhanh chóng, ChatGPT không phải lúc nào cũng đúng. AI có thể mắc lỗi, đưa ra thông tin không chính xác hoặc thậm chí tạo ra những câu trả lời nghe có vẻ hợp lý nhưng thực chất hoàn toàn sai.
Ví dụ, AI có thể bịa ra một bài báo hoặc cung cấp liên kết giả đến những trang web không tồn tại. Do đó, người dùng cần kiểm chứng thông tin từ các nguồn đáng tin cậy trước khi tin tưởng hoàn toàn vào câu trả lời của AI.
Dù là công cụ AI thông minh, những trợ lý ảo như ChatGPT vẫn có thể mắc lỗi và không thể thực hiện toàn bộ yêu cầu của người dùng. Việc hiểu rõ những gì nó có thể và không thể làm sẽ giúp bạn tận dụng tốt hơn khả năng hiện có của AI này.
ChatGPT