Tết ở làng Địa Ngục là bộ phim dẫn đầu lượt xem trên Netflix Việt Nam trong nhiều tuần, nhưng lại được nhận xét là chưa thoả mãn ở tập cuối.
Tết ở làng Địa Ngục được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Thảo Trang. Phim lấy bối cảnh là xã hội Việt Nam thế kỷ 16-17. Trải qua 5 tuần phát sóng, bộ phim của đạo diễn tài hoa Trần Hữu Tấn mang đến nhiều làn sóng bàn luận về nội dung lẫn chi tiết trình bày. Phim xoay quanh những cái chết thảm khốc ở làng Địa Ngục, nằm trong tận rừng sâu heo hút, quanh năm che phủ bởi sương mù. Nơi đây được tương truyền là hậu duệ của băng cướp nhà Hồ (dưới thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong) khét tiếng năm nào.
Thành công lớn của bộ phim chính là đã khéo léo thể hiện nét văn hóa của dân gian Việt Nam vào những thế kỷ trước. Chúng được đạo diễn lồng ghép rõ qua từng bài đồng dao, các nghi thức hay qua những trang phục và tạo hình nhân vật. Vì thế, ngay từ khi ra mắt, phim đã liên tục đứng vững trên top lượt xem của những nền tảng công chiếu, nhưng không ít nhận xét tiêu cực dành cho phim.
Trải qua 12 tập trong suốt 6 tuần, cái kết của Tết ở làng Địa Ngục lại nhận được nhiều phản hồi chưa tốt. Cụ thể, người xem cho rằng bộ phim còn mang nhiều tính chất hù dọa, càng về cuối càng dễ đoán hơn. Có vẻ như người xem đã bắt nhịp và làm quen tốt với đường dây của bộ phim, nên các tình tiết gay cấn sau đó chưa tạo thêm những bất ngờ. Ở tập cuối, cái kết vẫn chưa thể lý giải được những nút thắt gây khó hiểu trong suốt bộ phim.
Với một số người xem khó tính, việc kết hợp ánh sáng đỏ cùng những cú Jumpscare hù dọa cũng khiến họ thấy bị “ngợp”. Dù biết Jumpscare là “đặc sản” của phim kinh dị, nhưng khán giả mong muốn ở phần 2, những pha hù dọa như thế này nên đưa vào các tình tiết hợp lý hơn, điều mà họ phần nào có thể đoán trước là “sẽ có chuyện”.
Sau 12 tập phim, điều làm người xem bất ngờ nhất là nhân vật chính - ông Thập. Nếu trong 11 tập, ông đóng vai trò là người chỉ đạo, dẫn dắt cả làng, thì ở tập cuối, ông chọn cách chỉ đứng lặng thinh trong đau khổ. Có vẻ như tác giả muốn diễn tả sự hối hận của ông Thập, để ông hạ vai và dằn vặt chính bản thân mình. Thế nhưng, người xem lại muốn ông làm nhiều hơn thế. Chắc chắn rằng đạo diễn đã có dụng ý riêng của mình ở nhân vật này. Hoặc là ông Thập sẽ “nhường sân” cho một nhân vật chính mới trong phần 2, hoặc ông sẽ im lặng để bùng nổ hơn trong phần kế.
Trên nhiều diễn đàn, khán giả cho rằng không chấp nhận được cái chết của Tam Quỷ, bởi nếu theo nguyên tác, người lên con đò chở vong lại là ông Thập. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng tác phẩm sẽ có phần 2 trong thời gian tới và Tam Quỷ “không chết”. Tưởng như đây là một cái kết gây khó chịu, nhưng dường như đạo diễn đã chuẩn bị sẵn mọi thứ để “bùng cháy” mạnh mẽ hơn trong phần tiếp theo. Một vài nhận xét cho rằng cảnh kỹ xảo cuối phim chưa đủ thiết phục. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ở những tập trước phần này đã bị hạn chế để tập trung vào diễn xuất của nhân vật.
Ngoài ra, khán giả Việt vẫn đang tiếp tục mong đợi vào dự án điện ảnh Kẻ Ăn Hồn - một phiên bản lộng lẫy hơn của Tết ở làng Địa Ngục sẽ được ra mắt trong thời gian sắp tới. “Cha đẻ” của Tết ở làng Địa Ngục cho hay, phiên bản điện ảnh lần này được đầu tư chỉn chu từ nội dung, trang phục đến những chi tiết văn hoá tâm linh dân gian. Bộ phim hứa hẹn sẽ là tác phẩm bùng nổ và phá đảo các phòng vé trong tháng 12 tới đây.