Một thẩm phán ở Colombia đã tuyên bố rằng, ông đã đưa ra phán quyết của mình tại phiên tòa thông qua sự hỗ trợ của công nghệ AI ChatGPT.
Theo đó, ông đã sử dụng phần mềm ChatGPT trong một vụ kiện về quyền y tế của một đứa trẻ, được chẩn đoán mắc chứng Rối loạn Phổ Tự kỷ (ASD). Thẩm phán Juan Manuel Padilla giám sát vụ án ở Cartagena và sử dụng công cụ OpenAI để xác định xem cậu bé có được miễn chi phí y tế hay không, bao gồm cả chi phí đi lại.
Padilla đã hỏi công cụ ChatGPT một loạt câu hỏi để xác minh thông tin trong vụ án, đồng thời cho biết theo luật Colombia 2213 năm 2022, một thẩm phán đôi khi có thể sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ đưa ra phán quyết. Đài phát thanh đã công bố bản ghi câu hỏi và trả lời giữa Padilla và ChatGPT, trong đó thẩm phán hỏi, "Người mắc chứng tự kỷ có được miễn trả phí cho quá trình điều trị hay không?" ChatGPT đã trả lời rằng: “Có. Theo các quy định ở Colombia, trẻ vị thành niên được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ được miễn trả phí trong các buổi trị liệu của mình.” Điều Luật 1753 năm 2015 quy định quyền lợi và “áp dụng cho tất cả các tổ chức cung cấp dịch vụ y tế công hoặc tư” cho những người nhận hỗ trợ từ hệ thống y tế an sinh xã hội.
Padilla cho biết rằng việc sử dụng ChatGPT giúp tiết kiệm thời gian và “tạo điều kiện thuận lợi cho việc soạn thảo văn bản”, nhưng nói thêm rằng nó không được sử dụng với mục đích thay thế các thẩm phán. Ông lập luận rằng công cụ ChatGPT có thể “cải thiện thời gian phản hồi” trong hệ thống tư pháp và nó cung cấp thông tin “một cách có tổ chức, đơn giản và có cấu trúc”.
ChatGPT đã ủng hộ phán quyết của Padilla rằng chi phí y tế của đứa trẻ sẽ được chương trình y tế chi trả vì cha mẹ của đứa trẻ ấy không đủ khả năng kinh tế. Mặc dù phán quyết không bị phản đối, nhưng việc thẩm phán sử dụng ChatGPT trong vụ án đã nhận được sự chỉ trích từ những người khác cho rằng trí tuệ nhân tạo không có chỗ trong phòng xử án.
ChatGPT được ra mắt công chúng vào tháng 11 và có khả năng trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử sau khi đạt 100 triệu người dùng trong hai tháng đầu tiên. Giáo sư Juan David Gutierrez của Đại học Rosario ở Bogota cho biết trong một tweet vào thứ Ba rằng, các câu trả lời của công cụ AI này có thể chứa các thông tin không chính xác, dẫn đến một quyết định có thể đi theo hướng khác nếu thẩm phán và thư ký đích thân kiểm chứng lại thông tin.
Bất chấp những lời chỉ trích, Octavio Tejeiro, thẩm phán Tòa án Tối cao Colombia vẫn ca ngợi quyết định sử dụng ChatGPT của Padilla và nói rằng "hệ thống tư pháp nên tận dụng tối đa công nghệ như một công cụ để giúp thẩm phán cải thiện khả năng phán xét của mình."