Không còn rầm rộ như những ngày đầu ra mắt, ChatGPT giờ đây đang đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn khỏi OpenAI bởi lỗ vốn.
Đó là thực trạng hiện tại của ChatGPT. Trí tuệ nhân tạo này đã từng tạo nên cơn sốt toàn cầu khi ra mắt chính thức vào tháng 2/2023. Thậm chí, ChatGPT còn được đánh giá là có thể "chiếm quyền", thay thế hoàn toàn con người trong các lĩnh vực liên quan đến sáng tạo nội dung, hình ảnh hay gần nhất là video.
Tuy nhiên, mới đây, OpenAI (cha đẻ của ChatGPT) đã phải tuyên bố rằng, ChatGPT đang tiêu tốn rất nhiều tiền. Cụ thể, AI này đốt tới 700 ngàn đô la Mỹ (~ 16,6 tỷ đồng) cho quá trình vận hành mỗi ngày.
Dù đã cố gắng tìm cách để tăng thu nhập với các phiên bản GPT-3.5 hay GPT-4, nhưng con số đó vẫn không đủ đề bù lỗ. Gần đây nhất, lượng người dùng ChatGPT đã tiếp tục giảm xuống 12%, từ 1,7 tỷ xuống mức 1,5 tỷ người trên toàn thế giới.
Rõ ràng, cả thế giới đang tiếp cận với rất nhiều công nghệ Trí tuệ nhân tạo đến từ các ông lớn khác. Google có Bard, Microsoft bùng nổ với Bing, ngay cả Meta cũng đã có tới phiên bản Llama 2 của mình.
Sức cạnh tranh là rất lớn, chưa kể bản thân các AI đối thủ của ChatGPT còn dễ sử dụng, cho kết quả nhanh và hơn hết là miễn phí. Chẳng hạn như Bing được tích hợp đầy đủ trên các công cụ của Microsoft. Dù hãng này đã có sự bắt tay với OpenAI khi phát triển Bing dựa trên mô hình ChatGPT-3.5, nhưng rõ ràng người dùng sử dụng Bing cảm thấy thuận tiện hơn và trên hết là... không tốn phí.
Vì thế, nếu không được các đơn vị lớn khác bơm thêm vốn hoạt động, OpenAI nhiều khả năng sẽ phải nộp đơn phá sản vào năm 2024. Và sản phẩm tiên phong trong lĩnh vực AI, ChatGPT khả năng cao sẽ không còn tồn tại.