Gần đây, những thủ đoạn lừa đảo qua mạng và điện thoại lại "nở rộ", dù không mấy mới mẻ nhưng nhiều người dùng vẫn bị mắc bẫy.
Minh Tuấn Mobile cung cấp cho người đọc 20 hình thức lừa đảo qua mạng thường gặp, mà bạn nên biết để cảnh giác.
1. Bẫy tình
Đây là một trong những thực trạng nhức nhối của xã hội. Khi có quá nhiều ứng dụng, nền tảng hỗ trợ hẹn hò online, khiến kẻ xấu lợi dụng gạt tình lẫn tiền của những người nhẹ dạ cả tin.
Đối tượng dễ bị kẻ gian lợi dụng thường là phụ nữ và người độc thân lâu năm. Cách thức thường thấy để "bẫy tình" là kẻ xấu tiếp cận, kết bạn, quan tâm, nói lời ngọt ngào để tạo dựng lòng tin với bạn. Sau đó, chúng yêu cầu được giúp đỡ và mượn tiền với nhiều lý do "nghe có vẻ hợp lý" chẳng hạn như: đang gặp biến cố, chi phí gặp mặt,...
2. Tuyển cộng tác viên
Hình thức lừa đảo qua mạng thường thấy mà nhiều người mắc phải chính là tuyển cộng tác viên bán hàng. Đối tượng mà kẻ gian nhắm tới là phụ nữ nội trợ, mẹ bỉm hoặc người đang thất nghiệp.
Với thủ đoạn cơ bản là đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng, nhưng họ lại yêu cầu nạn nhân đóng phí, bỏ vốn hoặc mua hàng để dùng thử. Để tạo lòng tin với nạn nhân, kẻ gian thường hứa hẹn hoặc đưa ra nhiều kết quả lợi nhuận khủng. Nhiều người mắc bẫy vì bị đánh trúng lòng tham việc nhẹ lương cao.
3. Đe dọa khóa SIM
Bùng phát cuộc gọi đe dọa khóa SIM, khi gần đến thời hạn chuẩn hóa thuê bao. Đây là hiện trạng đã và đang xảy ra mà nhiều người gặp phải.
Chiêu thức chung là kẻ gian mạo danh là tổng đài và cơ quan Viễn thông để đe dọa khóa thuê bao người dùng và yêu cầu chuẩn hóa thông tin. Nếu làm theo các bước kẻ gian đưa ra, người dùng có thể bị đánh cắp thông tin định danh cũng như nhiều hệ lụy khác.
Để tránh tình trạng này, người dùng cần nắm rõ những kênh chính thức từ nhà mạng viễn thông mà mình đang dùng.
4. Lừa đảo trúng thưởng
Người dùng sẽ nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi thông báo trúng thưởng. Tuy nhiên, người dùng phải thực hiện nhiều bước cung cấp thông tin và nộp tiền để nhận thưởng.
Phương thức lừa đảo này khiến người dùng vừa mất thông tin, vừa mất tiền.
5. Giả danh cơ quan pháp luật
Đây là phương thức tinh vi mà những kẻ lừa đảo sử dụng số điện thoại giống hệt cơ quan nhà nước. Bọn chúng gọi điện hoặc nhắn tin thông báo cho người bị hại về các khoản phạt, bị kiện hoặc liên quan đến vụ án nào đó.
Lúc này, kẻ gian sẽ yêu cầu bị hại cung cấp số tài khoản ngân hàng cũng như chuyển tiền cho bọn chúng để làm thủ tục các kiểu. Để tránh bị mắc bẫy, mọi người hãy nhớ cơ quan hành pháp luôn làm việc dựa trên giấy tờ rõ ràng.
6. Chuyển tiền từ thiện
Đối tượng yêu cầu người dùng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để được nhận tiền từ thiện. Thấy "tiền từ trên trời rơi xuống", người dùng mau chóng làm theo, kết quả tiền không cánh mà bay. Bọn chúng thường mạo danh tổ chức công tác xã hội để thực hiện hành vi.
7. Gọi điện đòi nợ
Đối với hình thức lừa đảo này, kẻ gian thường gọi điện thoại khủng bố tinh thần nạn nhân. Cụ thể, thông báo họ hoặc người thân đã vay nợ lên đến chục, trăm triệu, nếu không trả sẽ bị tấn công. Với lời nói đe dọa, nhiều người "hiền lành" đã vội tin và mất tiền.
8. Chuyển tiền nhầm để ép vay
Nếu một ngày bạn nhận được một khoản tiền vào tài khoản ngân hàng hay vì điện tử, đừng vội mừng, hãy cẩn thận lừa đảo. Với phương thức thường thấy là chuyển tiền vào tài khoản nạn nhân. Sau đó kẻ xấu sẽ gọi điện và yêu cầu chuyển lại với số tiền lớn hơn như hình thức vay và đóng lãi.
9. Cho số đề để đánh
Đảm bảo "cho số nào, trúng số đó", kẻ gian tự xưng mình cho số "bao chuẩn", không trúng hoàn tiền. Người dùng cả tin thường "đánh" thử và mắc bẫy kẻ gian.
10. Hack tài khoản mạng xã hội
Một người quen lâu không nói chuyện bỗng dưng nhắn tin mượn tiền, bạn sẽ làm gì? Rất có thể tài khoản đó đã bị hack! Vì vậy đừng vội cho mượn với tình thân hữu, hãy gọi điện và liên hệ lại người thân để xác nhận thông tin.
11. Giả danh ngân hàng kích hoạt tài khoản
Đối tượng lừa đảo gửi link qua tin nhắn, yêu cầu người dùng kích hoạt hoặc cung cấp thông tin để xác nhận tài khoản. Tuy nhiên, đường link này sẽ khiến bạn bị đánh cắp thông tin, lộ tài khoản ngân hàng hoặc chứa mã độc. Hãy cẩn thận trước bất kỳ đường liên kết lạ nào!
12. Thông báo phạm giao thông
Một biên bản vi phạm giao thông "từ trên trời rơi xuống trúng đầu bạn", "dừng khoảng chừng là 5s" để nhận ra mình đang bị lừa! Vì vậy, đừng phản hồi lại bất kỳ thông tin vi phạm giao thông nào mà bạn nhận được qua mạng. Chẳng hạn như: cuộc gọi, tin nhắn hay email nào đó được gửi đến.
Hãy nhớ rằng, tại Việt Nam công an giao thông sẽ trực tiếp "thổi bạn vào lề" nếu vi phạm.
13. Nâng cấp SIM 4G
Kẻ gian mạo danh nhân viên nhà mạng để gọi điện, nhắn tin gửi cú pháp nâng cấp SIM 4G cho người dùng. Kết quả là thuê bao người dùng bị chiếm quyền kiểm soát, tệ hơn là dữ liệu đăng nhập tài khoản đã đăng kí bằng số điện thoại bị mất theo. Vì vậy, hãy luôn cẩn trọng nếu ai đó yêu cầu bạn nâng cấp SIM 4G.
14. Mạo danh cơ quan BHXH
Nhiều đối tượng mạo danh cơ quan BHXH Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Bọn chúng yêu cầu thanh toán khoản nợ bảo hiểm và thực hiện chiếm đoạt khoản tiền đó. Vì vậy, đừng vội thanh toán bất kỳ khoản nào về BHXH của bạn. Đồng thời, kiểm soát các khoản bảo hiểm của mình bằng ứng dụng VSSID.
15. Giả danh bệnh viện
Đây là một chiêu trò thường thấy đánh vào tâm lý mọi người. Kẻ gian sẽ gọi điện thông báo người nhà nạn nhân gặp tai nạn, cần cấp cứu và nạn nhân cần chuyển tiền để người thân được mổ ngay.
Hầu hết mọi người lo lắng cho người thân nên dễ "yếu lòng" chuyển tiền ngay. Vì vậy, hãy bình tình và tìm cách xác thực với người thân của mình trước tiên.
16. Cho vay lãi thấp
Nhắm vào người đang cần tiền, kẻ gian mạo danh nhân viên tài chính cho vay với lãi suất thấp. Tuy nhiên, yêu cầu là người bị hại phải chi trả một số tiền thấp hơn khoản vay, để làm thủ tục hồ sơ cần thiết.
17. Sàn giao dịch lừa đảo
Đối tượng quảng cáo cá cược lợi nhuận cao, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin và đặt cược trực tuyến. Đây là hình thức lừa đặc biệt nở rộ khi vào mùa bóng đá hoặc đại hội thể thao. Bọn chúng thường hoạt động dưới một trang web cá cược trực tuyến hoặc một sàn giao dịch tiền ảo.
18. Lừa đảo bán hàng trực tuyến
Hãy cẩn thận với những shop bán hàng online, để đảm bảo an toàn bạn nên chọn hình thức thanh toán tiền mặt sau khi nhận được hàng. Bởi vì, rất nhiều thương hiệu nổi tiếng bị lập tài khoản lừa đảo, bán hàng yêu cầu thanh toán chuyển khoản, rồi "lặn mất tăm".
19. Giả danh nhân viên viễn thông
Những đối tượng này yêu cầu người dùng thanh toán cước bị nợ nhiều tháng, với số tiền khá lớn. Điều khiến nhiều người bỏ tiền chi trả, dù trong lòng lấn cấn bản thân đã thanh toán đều đặn, là do thái độ hù dọa của nhóm đối tượng này.
20. Lừa đảo qua mã độc
Những mã độc, phần mềm xấu được ẩn giấu trong một đường link lạ mà người dùng nhận được. Tệ hơn, chúng "nhan nhản" khắp mọi trang mạng dưới dạng một quảng cáo. Chỉ cần một cú lick chuột cũng khiến bạn bị đánh cắp dữ liệu, hỏng máy.
Thậm chí, hacker có thể xâm nhập vào tài khoản mạng xã hội cũng như tài khoản ngân hàng của bạn khi chúng nắm quyền kiểm soát thiết bị. Vì vậy, hãy luôn cân nhắc khi click vào bất kỳ đường link lạ nào.
SIM