Cảnh giác 3 kiểu cuộc gọi lừa đảo nguy hiểm: giả mạo cơ quan chức năng, số quốc tế lạ, yêu cầu OTP - cúp máy ngay để an toàn!
Nếu bạn nhận được một trong ba kiểu cuộc gọi dưới đây, tốt nhất là cúp máy ngay. Đây đều là những chiêu trò lừa đảo phổ biến, và chỉ cần sơ suất, tài khoản của bạn có thể gặp rủi ro.
Giả mạo cơ quan chức năng: “Anh/chị đang bị điều tra…”
Đây là chiêu thức “kinh điển” nhưng vẫn cực kỳ nguy hiểm vì đánh thẳng vào nỗi sợ hãi của nạn nhân. Kẻ lừa đảo thường tự xưng là công an, viện kiểm sát, tòa án, hoặc thậm chí nhân viên ngân hàng, thông báo rằng bạn “dính líu đến vụ án rửa tiền” hay “có lệnh triệu tập khẩn cấp”. Nghe thì đáng sợ, nhưng mục tiêu của chúng là khiến bạn hoảng loạn, từ đó cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền để “giải quyết vụ việc”.
Thậm chí, có những cuộc gọi còn dùng âm thanh giả lập như tiếng nhạc chờ của tổng đài, giọng nói lạnh lùng đầy uy quyền, hoặc đoạn ghi âm được tạo bằng AI để tăng độ tin cậy. Nhưng đừng để bị đánh lừa!
![Cẩn thận với 3 kiểu cuộc gọi lừa đảo nguy hiểm]()
Sự thật là: Không cơ quan nhà nước nào yêu cầu bạn nộp tiền hay khai báo thông tin qua điện thoại. Mọi thủ tục đều phải thực hiện trực tiếp, kèm giấy tờ hợp pháp. Nếu ai đó gọi đến và yêu cầu “chuyển tiền gấp” để hỗ trợ điều tra, hãy tắt máy ngay và báo cáo cho cơ quan chức năng!
Cuộc gọi từ số quốc tế lạ: Gọi lại là mất tiền oan
Bạn từng nhận được cuộc gọi nhỡ từ các đầu số lạ như +373 (Moldova), +216 (Tunisia), hay +226 (Burkina Faso) chưa? Những số này thường xuất hiện vào đêm khuya hoặc giờ bất thường, khiến bạn tò mò muốn gọi lại xem ai đang tìm mình. Nhưng đây chính là cái bẫy!
![Cẩn thận với 3 kiểu cuộc gọi lừa đảo nguy hiểm]()
Khi bạn gọi lại, cước phí sẽ bị tính ở mức “cắt cổ” vì đó là số quốc tế lừa đảo. Chỉ vài giây nghe máy, bạn có thể mất hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồng mà không hay biết.
Lời khuyên từ VNPT: Nếu không quen biết, chưa từng liên lạc trước, tuyệt đối không gọi lại các số lạ có mã vùng khác +84 (Việt Nam). Hãy bỏ qua sự tò mò để giữ an toàn cho ví tiền của bạn!
Yêu cầu cung cấp OTP, số thẻ, mã PIN: “Mồi ngon” để rút sạch tài khoản
Kiểu lừa đảo này ngày càng phổ biến và tinh vi. Bạn sẽ nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là nhân viên ngân hàng, công ty tài chính, hoặc dịch vụ trực tuyến, thông báo rằng bạn “trúng thưởng lớn” hoặc “cần xác minh giao dịch bất thường”. Sau đó, họ khéo léo yêu cầu bạn đọc mã OTP, mật khẩu, hay số tài khoản để “hoàn tất thủ tục”.
Chỉ cần bạn cả tin làm theo, tài khoản ngân hàng sẽ bị “bốc hơi” trong tích tắc!
Nguyên tắc vàng: Không ai, kể cả ngân hàng thật, có quyền hỏi bạn thông tin bảo mật qua điện thoại. Nếu nghi ngờ, hãy liên hệ trực tiếp tổng đài chính thức của ngân hàng (qua số in trên thẻ hoặc website uy tín) để kiểm tra.
![Cẩn thận với 3 kiểu cuộc gọi lừa đảo nguy hiểm]()
Lừa đảo qua điện thoại tinh vi đến mức nào?
Theo Liên minh Chống Lừa đảo Toàn cầu, năm 2024 ghi nhận thiệt hại trung bình hơn 1.000 USD mỗi vụ lừa đảo qua điện thoại. Kẻ gian thường áp dụng kỹ thuật “kỹ thuật xã hội” – khai thác tâm lý, cảm xúc để thao túng hành vi của nạn nhân.
Để đối phó, Google đã ra mắt tính năng Scam Detection, dùng AI để phát hiện tin nhắn, cuộc gọi đáng ngờ và cảnh báo người dùng ngay lập tức. Tính năng này xử lý trực tiếp trên thiết bị, không lưu dữ liệu, đảm bảo an toàn và riêng tư. Hiện tại, nó đã được triển khai tại Mỹ, Anh, Canada và sắp tới sẽ mở rộng sang Việt Nam.
Lừa đảo