Hiện nay có vô vàn cách thức lừa đảo tinh vi. Vậy chúng ta cần làm gì để bảo vệ bố mẹ, ông bà của mình khỏi các chiêu trò lừa đảo này?
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các phương thức lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi và khó lường. Đáng lo ngại, nhóm đối tượng dễ bị tấn công nhất chính là người cao tuổi, những người ít hiểu biết về công nghệ.
Theo thống kê của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), năm 2021, đã có trên 467.340 vụ lừa đảo nhắm tới người trên 60 tuổi, với tổng thiệt hại lên tới hơn 1 tỷ USD. Thậm chí, con số thực tế còn lớn hơn, bởi có rất nhiều nạn nhân không trình báo. Để hạn chế tình trạng này, những người lớn tuổi cần được nâng cao nhận thức về các hình thức lừa đảo mới, cũng như có cách tiếp cận phù hợp.
Cảnh báo về những chiêu thức lừa đảo mới
Theo Huddleston, vì tất cả chúng ta đều có thể là "con mồi", bạn nên nói chuyện với bố mẹ hoặc người thân của mình về lừa đảo. Bạn có thể sử dụng câu chuyện đã xảy ra hoặc tin tức chính thống.
Martti DeLiema, Trợ lý Giáo sư Công tác xã hội tại Trường Công tác xã hội Đại học Minnesota, nói rằng nên giải thích cho người thân những cách thức lừa đảo cụ thể. Ví dụ, một người lạ liên hệ với ba/mẹ qua mạng xã hội và nói rằng họ muốn làm bạn rồi hỏi vay tiền. Hãy cảnh báo trước cho người thân để họ tránh phản hồi những kẻ lừa đảo này.
Sử dụng các công cụ để ngăn chặn lừa đảo
Giám đốc hỗ trợ nạn nhân bị lừa đảo của tổ chức phi lợi nhuận AARP, Amy Nofziger, đã đưa ra vài bước đơn giản có thể ngăn chặn lừa đảo, chẳng hạn như khoá thẻ tín dụng, cài đặt kiểm soát quyền riêng tư chặt chẽ trên mạng xã hội và đặt số lạ vào hộp thư thoại trên điện thoại. Ngoài ra, bạn có thể đăng ký nhận thông báo liên quan đến tất cả các giao dịch tài chính hoặc tài khoản tài chính của người thân.
James Ferraro, Phó Chủ tịch kiêm Cố vấn ủy thác tại Argent Trust Company, nói rằng một số cách tốt nhất để bảo vệ tiền của người cao tuổi khỏi những kẻ lừa đảo là sử dụng các công cụ pháp lý như giấy ủy quyền lâu dài và quyền giám hộ.
Nắm bắt các dấu hiệu cảnh báo
John Breyault, Phó Chủ tịch Chính sách công, viễn thông và lừa đảo tại Tổ chức Phi lợi nhuận Liên đoàn người tiêu dùng quốc gia, nói rằng nếu một người cao tuổi đột nhiên không muốn nói về tiền nong hoặc gặp khó khăn khi chi trả chi phí sinh hoạt, thì điều đó có thể là dấu hiệu lừa đảo tiềm ẩn.
Theo Breyault, những kẻ lừa đảo có khả năng tạo ra cái gọi là “cảm giác cấp bách”. Chúng yêu cầu các "con mồi" chuyển tiền ngay lập tức nếu không nhà chức trách sẽ đến. Ngoài ra, chúng rất sáng tạo và thường xuyên thay đổi phương pháp lừa đảo. FTC cho biết tội phạm lừa đảo thậm chí còn bắt chước giọng nói bằng trí tuệ nhân tạo.
Nếu người thân trong gia đình gặp phải những trường hợp trên, hãy báo cáo ngay cho các nhà chức trách và chính quyền.
Đừng ngại mất thể diện
Nếu xảy ra sự cố, đừng trách móc mà hãy thông cảm, động viên tinh thần. Việc chia sẻ câu chuyện của mình cũng sẽ giúp người khác tránh mắc bẫy tương tự.
Như vậy, việc tăng cường nhận thức, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp người cao tuổi an toàn trước nạn lừa đảo. Chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ sức khỏe, tài sản cho người thân yêu của mình.
Lừa đảo tài chính