Lừa đảo qua điện thoại với sự hỗ trợ của AI bùng phát, giúp kẻ xấu thực hiện những cuộc gọi mạo danh tinh vi và khó nhận biết hơn.
Cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại đang tấn công nhiều người dùng trên toàn thế giới. Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cho biết, trong năm 2022, người Mỹ đã thiệt hại 2,6 tỷ đô la vì vấn đề này.
Biến AI thành "tòng phạm" để lừa đảo
Những kẻ xấu đã lợi dụng công nghệ để hỗ trợ thực hiện các cuộc gọi mạo danh ai đó và lừa đảo người thân của họ. Chiêu thức của bọn chúng là thu thập giọng nói có sẵn trên Internet (qua mạng xã hội, video, tài khoản cá nhân,...) của đối tượng mục tiêu. Sau đó, kẻ mạo danh sẽ sử dụng AI (Trí tuệ nhân tạo) để sao chép, nhân bản và giả mạo mọi người.
Gần đây, thủ đoạn sử dụng giọng nói mạo danh ai đó để gọi điện cho cha mẹ hoặc người thân thiết đang diễn ra thường xuyên hơn. Chúng giả vờ gặp rắc rối và yêu cầu hỗ trợ bằng vật chất. Có rất nhiều người đã mắc bẫy với chiêu thức trên. Họ dăm dắp nghe theo từng hướng dẫn và chuyển tiền cho kẻ xấu mà không hề hay biết.
Theo nghiên cứu của McAfee, những kẻ lừa đảo chỉ cần 3 giây âm thanh để sao chép giọng nói của một ai đó. McAfee là nhà cung cấp giải pháp an ninh mạng hàng đầu tại California, Hoa Kỳ. Trước sự phát triển của AI, dường như nó đang trở thành công cụ cho những kẻ xấu lợi dụng để thực hiện hành vi phạm pháp của mình một cách dễ dàng hơn.
Lời cảnh báo từ người trong cuộc
Eddie Cumberbatch là một người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội với hơn 100.000 người theo dõi. Anh đã trải nghiệm thực tế đáng sợ về khả năng mạo danh của AI.
Câu chuyện xảy ra hồi tháng 4/2023. Ông bà của Cumberbatch đã nhận được một cú điện thoại có giọng nói giống như anh. Người trong cuộc gọi đã nói với họ rằng anh ta vừa gặp một vụ tai nạn xe hơi nghiêm trọng và cần tiền ngay lập tức. May mắn là ba của Cumberbatch đã nghe được cuộc trò chuyện và gọi điện cho con mình để xác nhận rằng anh vẫn an toàn.
Một trường hợp khác xảy ra với kỹ sư phần mềm của Google là Richard Mendelstein. Mendelstein đã bất ngờ nhận được một cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại, giả dạng tiếng kêu cứu của con gái anh. Xui thay là anh đã không nhận ra điều này và mất 4 ngàn đôla (gần 100 triệu đồng) chuyển cho bọn lừa đảo. Trong khi đó, con gái của anh vẫn an toàn ở trường học.
Tại Việt Nam, nạn cuộc gọi rác, lừa đảo qua điện thoại vẫn hoành hành không ngừng. Nhiều người dân Việt Nam cho biết, mỗi ngày họ nhận được rất nhiều cuộc gọi lừa đảo. Đa phần kẻ xấu giả danh người của cơ quan nhà nước để đe dọa và yêu cầu chuyển tiền. Theo đó, người dân Việt vẫn nên cảnh giác trước chiêu thức giả mạo giọng nói người thân.
Cách tốt nhất để tự bảo vệ bản thân là nâng cao cảnh giác. Trong những trường hợp nhận được cuộc gọi đột ngột, người dùng cần bình tĩnh liên hệ với người thân để xác nhận tình hình. Đồng thời, bạn cũng cần hạn chế việc đăng tải thông tin riêng tư cá nhân lên mạng.