Internet ngày càng nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi và nếu bạn đang gặp một vài tình huống dưới đây, hãy tỉnh táo và cẩn trọng nhé!
Internet thường xuyên xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo. Chỉ cần mất cảnh giác, bạn sẽ dễ dàng bị “sập bẫy” bởi những chiêu trò tinh vi này. Vậy đâu là dấu hiệu mà bạn sắp bị lừa đảo trên Facebook?
Gửi cho bạn một link liên kết trang web lạ
Phổ biến nhất hiện nay là liên kết đến các trang web giả mạo. Đừng tự tiện nhấn vào một liên kết từ bất kỳ nguồn nào gửi cho bạn, nếu không muốn gặp những phiền phức.
Kẻ lừa đảo luôn biết cách tạo những đường link, trang web dẫn tới thông tin mà bạn quan tâm, như các cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng,... hòng chiếm đoạt tài sản.
Để phòng tránh trường hợp này, bạn cần làm những việc sau:
- Không nhấp vào tất cả các link mà người lạ hay thậm chí là người quen gửi cho bạn.
- Luôn hỏi lại chính xác nội dung mà họ muốn gửi, kèm theo xác nhận đó là người thật việc thật.
- Cách tốt nhất là không nên nhấp bào bất kỳ đường link nào được gửi đến.
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân trước khi truy cập liên kết lạ nên tra cứu tại https://tracuutenmien.gov.vn/ hoặc nhắn tin miễn phí theo cú pháp TCTM gửi 156.
Cuộc gọi lừa đảo Deepfake
Trước hết, bạn phải biết về cuộc gọi Deepfake là gì? Những kẻ lừa đảo sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra những video giả người thân, bạn bè để lừa đảo. Chúng dùng cách này để gọi điện cho người thân, bạn bè với các thủ đoạn như chuyển tiền viện phí, đóng học cho con,...
Cục an toàn thông tin đã đưa ra 5 dấu hiệu nhận biết những cuộc gọi này:
- Thời gian cuộc gọi ngắn có thể chỉ vài giây.
- Khuôn mặt người gọi thiếu cảm xúc và khá “đơ”, tư thế lúng túng, không tự nhiên, hướng đầu và cơ thể không nhất quán với nhau.
- Màu da của người trong video khá bất thường, bóng đổ không đúng vị trí, video trông rất giả tạo và không tự nhiên.
- Âm thanh không đồng nhất với hình ảnh, nhiều tiếng ồn trong clip hoặc clip không có âm thanh.
- Ngắt máy giữa chừng vì lý do mất sóng, sóng yếu.
Nếu gặp các trường hợp này, bạn cần gọi điện lại để xác minh vấn đề với người thân. Trong trường hợp cuộc gọi không liên lạc, chúng ta nên chờ cho tới khi xác nhận được vấn đề với người trực tiếp liên quan.
“Chúc mừng bạn đã nhận được giải thưởng”
Đây là chiêu trò “gài bẫy” được nhiều người nhất. Tâm lý vui mừng khi nhận được giải thưởng làm bạn mất đi cảnh giác. Điều kiện nhận giải thưởng là bạn phải trả phí thành viên, phí tham dự hay chia sẻ các thông tin cá nhân của mình.
Đừng vui mừng với một phần thưởng từ trên trời rơi xuống. Những thông báo này có rất nhiều lỗi sai chính tả và ngữ pháp. Những phần thưởng giả thường đính kèm với các thương hiệu lớn và phổ biến. Chỉ cần bạn xem xét kỹ thì sẽ không bị những chiêu trò thế này lừa đâu nhé!
Hacker tấn công
Những kẻ lừa đảo sẽ nói với bạn rằng tài khoản của bạn đang bị tấn công hoặc bị xóa. Nhưng họ lại sẽ giúp bạn lấy lại được tài khoản của mình? Đừng vội tin một người lạ muốn giúp đỡ với điều kiện họ muốn lấy thông tin cá nhân của bạn.
Cách tốt nhất trong trường hợp này là xác minh thông tin bằng cách đăng nhập tài khoản của mình. Tuy nhiên, hãy đăng nhập chúng trên chính máy tính cá nhân hoặc các thiết bị của bản thân. Nếu không thành công, có thể bạn đã bị kẻ gian lấy tài khoản. Khi đó, cách tốt nhất là dùng các biện pháp thủ công được đề xuất từ các nhà phát triển. Trong trường hợp tất cả đều không thành, bạn tốt nhất nên bỏ tài khoản mạng xã hội trước khi tiếp tay cho hacker.